info@pddc.vn +84 24-3753-0369

Tọa đàm trực tuyến “Kinh tế tuần hoàn: Xu hướng và cơ hội tại Việt Nam”

Ngày 16/09/2021, Công ty Cổ phần Tư vấn Phát triển Phương Đông, Viện Nghiên cứu ứng dụng Phương Đông và Công ty Cổ phần Tư vấn Xanh đã tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Kinh tế tuần hoàn: Xu hướng và cơ hội tại Việt Nam”. Buổi tọa đàm có sự tham dự của các chuyên gia trong nước, quốc tế và toàn thể thành viên của PDDC, PDIA và GREC.

Khai mạc tọa đàm, Ông Nguyễn Mạnh Hà – Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Phát triển Phương Đông đã giới thiệu khái quát về tầm quan trọng, mối quan hệ tương tác giữa kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; những dự báo xu hướng công nghệ mới trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam hiện nay. 

Buổi tọa đàm được tổ chức từ 14:00 đến 17:00, cùng sự tham gia của 03 diễn giả, gồm: Mr. Carlos Oliveria Augusto – PhD. Architecture CITAD Research Centre Lusíada University of Lisbon; Ông Nguyễn Võ Minh Hùng – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Xanh và Bà Nguyễn Minh Thúy – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng Phương Đông; cùng với 12 khách mời đặc biệt và các thành viên tham dự khác. 

Trong phiên thảo luận, Mr Carlos đã chia sẻ mối liên hệ giữa nền kinh tế tuần hoàn và 17 Mục tiêu Phát triển Bền Vững (17 SDG) định rõ ba nguyên tắc chính trong tiếp cận xây dựng theo hướng tuần hoàn: Thứ nhất, giữ cho các tòa nhà, các bộ phận/phần và vật liệu được sử dụng và tái sử dụng lâu nhất có thể với giá trị cao nhất. Thứ hai, thiết kế nhằm loại bỏ chất thải và giảm thiểu khí thải và ô nhiễm càng nhiều càng tốt. Thứ ba, tái tạo các hệ thống tự nhiên bằng cách sử dụng các vật liệu và năng lượng tái tạo, không độc hại. 

Ảnh: Ông Carlos Oliveria Augusto chia sẻ mối liên hệ giữa nền kinh tế tuần hoàn và 17 Mục tiêu Phát triển Bền Vững (17 SDG)

Đối với xu hướng kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, ông Nguyễn Võ Minh Hùng đã đưa ra những chỉ số quan trọng và nổi bật về số lượng rác thải nhựa/người; khối lượng chất thải chôn lấp không qua xử lý; số lượng người chết/năm do ô nhiễm không khí và các loại ô nhiễm khác. Đồng thời là những kế hoạch, chủ trương mà Việt Nam đã thực hiện được đối với nền kinh tế tuần hoàn như: 20 năm thực hiện mô hình VAC; mô hình 3R – Giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế; việc áp dụng tiêu chuẩn ISO; thành lập Viên nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn;… Mở ra một tương lai cho sự phát triển kinh tế tuần hoàn của Việt Nam với những định hướng, giải pháp, tư duy, mô hình tối ưu nhất.

Ảnh: Ông Nguyễn Võ Minh Hùng đưa ra những chỉ số quan trọng, kế hoạch, chủ trương đối với xu hướng kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Bà Nguyễn Minh Thúy đã trình bày những mục tiêu, kế hoạch hành động của EU về phát triển kinh tế tuần hoàn năm 2020; chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và 05 lĩnh vực được ưu tiên xác định, gồm: nhựa, chất thải thực phẩm, nguyên liệu thô quan trọng, chất thải xây dựng, sinh khối và sản phẩm sinh học. Bên cạnh đó còn có những mô hình theo hướng tuần hoàn quốc tế, ví dụ như: mô hình công nghiệp dệt – Hà Lan; công nghệ sinh học trong xử lý chất thải không thể tái chế – Canada; nhựa – Vương quốc Anh. 

Ảnh: Bà Nguyễn Minh Thúy trình bày mục tiêu, kế hoạch hành động của EU về phát triển kinh tế tuần hoàn năm 2020

Việt Nam cũng đã có những mô hình sản xuất theo hướng tuần hoàn trong nhiều lĩnh vực như: lĩnh vực rác thải nhựa bao bì; lĩnh vực sản xuất bia; lĩnh vực nguyên liệu thô – sản xuất thép; sinh khối; tận dụng sản phẩm sinh học.

Tại phiên thảo luận các chuyên gia, đại biểu đã trao đổi về những cơ hội và xu hướng trong tương lai Việt Nam có thể phải đối mặt, thảo luận về các giải pháp trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.


Kết thúc buổi tọa đàm, các đại biểu đã đi đến thống nhất rằng: “Quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam đang có nhiều thuận lợi về mặt chủ trương, chính sách của Nhà nước, đây là cơ hội lớn trong dịch chuyển kinh tế Việt Nam theo hướng bền vững. Tuy nhiên, việc lựa chọn mô hình Kinh tế tuần hoàn, ứng dụng công nghệ mới, cách tiếp cận, phương pháp triển khai hiệu quả trong bối cảnh Việt Nam hiện nay đòi hỏi sự đánh giá tổng thể, đa chiều về kinh tế tuần hoàn, về cơ hội và thách thức trong quá trình dịch chuyển này.”