info@pddc.vn +84 24-3753-0369

Lễ thành lập Viện Nghiên cứu Ứng dụng Phương Đông

Sáng ngày 22/01/2021, tại Văn phòng Công ty Cổ phần Tư vấn Phát triển Phương Đông (PDDC), đã diễn ra lễ ra mắt Viện Nghiên cứu Ứng dụng Phương Đông (PDIA) – là viện tư nhân trực thuộc Công ty Cổ phần tư vấn phát triển Phương Đông, và chương trình tọa đàm về chiến lược phát triển giai đoạn đầu tiên (2021 – 2026) của Viện.

Tiến sĩ Lương Thị Thu Hằng – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn PDDC phát biểu tại Lễ thành lập PDIA

Tham dự buổi lễ có các thành viên Hội đồng Khoa học Viện: PGS.TS. Nguyễn Danh Sơn – Chủ tịch Hội đồng Khoa học PDIA, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, PGS.TS. Phạm Trung Lương – Trưởng Ban Du lịch và Phát triển bền vững – Viện Môi trường & Phát triển bền vững, PGS.TS. Nguyễn Đình Long – Chuyên gia Kinh tế Nông nghiệp – Viện nghiên cứu Quy hoạch Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cùng các đại diện từ các tổ chức đối tác trong nước và quốc tế đã hợp tác với Công ty CP Tư vấn Phát triển Phương Đông: Ông Nguyễn Thanh Tùng – Cán bộ Phát triển chính sách – Văn phòng IFAD tại Việt Nam, PGS.TS. Bế Trung Anh – Chủ tịch Hội đồng Học viện Dân tộc – Ủy Ban Dân Tộc, Bà Lê Thanh Hiếu – Trưởng phòng Quản lý Công nghệ – Sở KHCN Hà Nội, Ông Bùi Hải Nam – Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp (NIAPP), TS. Bùi Văn Tuấn – Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học phát – Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội, Ông Đỗ Thành Lâm – Chuyên gia Nông nghiệp và BĐKH, Ths. Trần Văn Ngọt – Chuyên gia về Điện và Năng lượng, TS. Đinh Thị Hải Vân – Bộ môn Quản lý môi trường – Học viện Nông nghiệp Việt Nam, PGS.TS. Vũ Hoàng Hoa – Bộ môn Quản lý môi trường – Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hằng – Chuyên gia Tài chính và Quản trị kinh doanh – ĐH Ngoại thương, Ông Phùng Quốc Đức và Ông Gregoire Nuss – Công ty TNHH Indochina Link Vietnam, Đại diện Công ty Luật Hợp Phúc và toàn thể cán bộ nhân viên của Công ty Cổ phần Tư vấn Phát triển Phương Đông.

Viện Nghiên cứu Ứng dụng Phương Đông được thành lập theo Giấy đăng ký hoạt động Khoa học và Công nghệ do Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội cấp ngày 24/12/2020. Hoạt động nghiên cứu chính của PDIA là nghiên cứu khoa học liên ngành và thực hiện dịch vụ khoa học và công nghệ trong phát triển bền vững.

Tại buổi lễ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Công ty Cổ phần Tư vấn Phát triển Phương Đông – TS. Lương Thị Thu Hằng cùng Ông Nguyễn Mạnh Hà – Giám đốc Công ty đã trao Quyết định Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Phương Đông (PDIA) cho bà Nguyễn Thị Hồng Hải.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS. Nguyễn Danh Sơn – Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện PDIA đã nêu rõ hai chức năng chính của Viện là nghiên cứu khoa học và cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ. Đồng thời, PGS.TS Nguyễn Danh Sơn cũng nêu ra các định hướng hoạt động chính của Viện là nghiên cứu ứng dụng là triển khai khoa học công nghệ, không loại trừ nghiên cứu cơ bản. Mọi hoạt động của Viện từ quản lý khoa học đến triển khai các hoạt động cụ thể sẽ cần đến các điều kiện về nhân lực và các nguồn lực khác. Nhân lực cho nghiên cứu ứng dụng và triển khai khoa học công nghệ yêu cầu không chỉ kiến thức khoa học, kinh nghiệm thực tiễn mà còn cần cả sự nhạy bén về thị trường công nghệ. Thị trường KHCN của nước ta đã được hình thành và vận hành theo hướng hội nhập với các thị trường khác trong khu vực và thế giới. Thị trường KHCN có đặc trưng riêng về nguồn cung và cầu. Theo dự báo của chuyên gia, với việc chuyển đổi tổ chức sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, cạnh tranh trong hoạt động khoa học sẽ sôi động và mạnh mẽ. Do vậy, hiểu và nắm bắt về được nhu cầu xã hội về nghiên cứu khoa học và dịch vụ KHCN là điều kiện tiên quyết để phát triển Viện. Ở mô hình công ty hay doanh nghiệp thì bộ phận Marketing hay Phát triển thị trường rất được coi trọng, đề xuất Viện giao nhiệm vụ này cho một bộ phận trong cơ cấu tổ chức bổ máy của Viện, đi kèm với chính sách, cơ chế khuyến khích công việc này. Cũng do đặc thù hoạt động KHCN mà sự kết nối công nghệ, sự kết nối nguồn lực (mạng lưới các các nhà khoa học công nghệ có trình độ, kinh nghiệm) và mạng lưới sở ban ngành và các tổ chức khác sẽ là nhiệm vụ không thể thiếu và cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

PGS.TS. Nguyễn Danh Sơn – Chủ tịch Hội đồng Khoa học PDIA

Đồng ý với quan điểm của PGS.TS. Nguyễn Danh Sơn, Viện Trưởng PDIA – ThS. Nguyễn Thị Hồng Hải khẳng định một lần nữa chiến lược phát triển PDIA giai đoạn 2021-2026 và đưa ra kế hoạch hành động 2021-2023. Không thể thiếu đối với sự phát triển bền vững của Viện đó là một bộ máy nhân sự vững mạnh, trình độ chuyên môn cao, nhiệt huyết với nghề. Bộ máy nhân sự của Viện bao gồm Ban lãnh đạo và các phòng chức năng, hội đồng khoa học và các chuyên gia tư vấn. Để phát triển Viện thì cần có định hướng, chiến lược phát triển cụ thể, Viện trưởng Nguyễn Hồng Hải đã nêu ra các định hướng chiến lược và kế hoạch hành động cụ thể. Đầu tiên là xây dựng mục tiêu chiến lược phát triển trên cơ sở xác định nhóm khách hàng và các đối tượng hưởng lợi để từ đó thực hiện triển khai phát triển mạng lưới để hợp tác và nghiên cứu KHCN trong nước và quốc tế. Giai đoạn ban đầu, Viện sẽ đồng thời thực hiện các hoạt động nghiên cứu theo trên nguồn kinh phí phân bổ từ nguồn hoạt động KHCN của công ty mẹ – PDDC, song song đó, Viện sẽ thực hiện mở rộng mạng lưới hợp tác trong nước và quốc tế để khai thác các đề tài, dự án, nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia, bộ ngành, địa phương và các chương trình hợp tác song phương giữa Việt Nam và CHLB Đức, Vương Quốc Bỉ, Tây Ban Nha, v.v. và chiến lược phát triển trong ngắn hạn, trung và dài hạn. Xây dựng đội ngũ chuyên gia tư vấn, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực. Bên cạnh đó, lập website với 3 thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Hải – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Phương Đông

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS. Phạm Trung Lương – Trưởng Ban Du lịch và Phát triển bền vững – Viện Môi trường & Phát triển bền vững bày tỏ tin tưởng và gửi gắm vào sự phát triển của Viện và đặt ra nhiều vấn đề được xem là thách thức phía trước đối với sự phát triển của Viện. Một trong những vấn đề được nêu là vì Viện hoạt động theo luật doanh nghiệp, tất nhiên sẽ có giấy phép phù hợp với luật KHCN, nhưng mà luật DN vẫn sẽ bao trùm. Do vậy, việc phát triển của Viện nói chung, trong đó có lĩnh vực du lịch, nghiên cứu phát triển du lịch, thì sẽ ở thế cạnh tranh, cạnh tranh rất nhiều nên chiến lược phải nằm trong bối cảnh, gắn với bối cảnh. Việc thực hiện được phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: con người, nguồn lực để thực hiện. Ông nhấn mạnh, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng, Bộ KHĐT đưa ra rất nhiều đề tài, bất kỳ ai, đơn vị nào cũng có thể tham gia, vậy làm sao để kéo được đề tài đó về Viện rồi sau đó đến thực hiện đề tài như thế nào tốt nhất, đó là những vấn đề không đơn giản, cần đặc biệt quan tâm.

PGS.TS. Phạm Trung Lương – Trưởng Ban du lịch và phát triển bền vững – Viện Môi trường & Phát triển bền vững phát biểu tại buổi lễ

Buổi lễ kết thúc thành công, tốt đẹp cùng với nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia về định hướng và phát triển cho Viện trong chặng đường phía trước.

Các quý vị đại biểu tại buổi lễ thành lập Viện